Bài giảng đại chúng: Rối lượng tử và Giải Nobel Vật lý năm 2022

Ngày 02/11/2022, Viện Toán học, Hội Vật lý Việt Nam, Viện Vật lý và Trung tâm Thông tin – Tư liệu phối hợp tổ chức Bài giảng đại chúng với chủ đề “Rối lượng tử và Giải Nobel Vật lý năm 2022”. Bài giảng đã thu hút các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên của các trường đại học, các độc giả yêu thích khám phá tri thức khoa học tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bài giảng đại chúng diễn ra dưới cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom

PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội với bài giảng “Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của kiểm chứng thực nghiệm tính phi định xứ lượng tử”

PGS. TS. Nguyễn Ái Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội với bài giảng “Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của kiểm chứng thực nghiệm tính phi định xứ lượng tử”. Theo PGS. TS. Nguyễn Ái Việt, cho đến nay, cuộc tranh luận về cơ sở của cơ học lượng tử vẫn không ngừng đem lại những quan niệm và hệ quả thực tiễn mới. Một trong những quan niệm quan trọng của vật lý cổ điển là tính định xứ và sự lan truyền của tương tác trong không thời gian đã trở nên khó dung hòa trong lý thuyết tương đối và cơ học lượng tử. Để giải quyết vấn đề này, vật lý hiện đại một mặt hướng tới hoàn thiện cơ học lượng tử với các biến ẩn, mặt khác thừa nhận tính phi định xứ lượng tử. Kiểm nghiệm thực nghiệm tính phi định xứ lượng tử sẽ quyết định nền tảng của một hệ thống thế giới mới. Các thí nghiệm về tính phi định xứ lượng tử được John Clauser bắt đầu từ thập kỷ 1960, được Alain Aspect hoàn thiện và bổ khuyết các lỗ hổng từ thập kỷ 1980 và được Anton Zeilinger ứng dụng vào truyền tin mở đầu cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ của thông tin lượng tử. Giải thưởng Nobel Vật lý 2022 đã khẳng định tính phi định xứ lượng tử nhờ các kết quả thực nghiệm này.

PGS. TS. Nguyễn Bá Ân, Viện Toán học và Khoa học ứng dụng Thăng Long, Đại học Thăng Long với bài giảng “Về bất đẳng thức Bell”. Bất đẳng thức Bell do John Bell đưa ra năm 1964 được coi là khám phá sâu sắc nhất trong khoa học. Nó cho phép giải quyết cuộc tranh luận kéo dài 30 năm giữa Albert Einstein và Niel Bohr. Giải Nobel Vật lý năm 2022 được trao cho Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger vì các thí nghiệm của họ đã xác nhận sự vi phạm bất đẳng thức Bell. Báo cáo tập trung vào việc dẫn ra bất đẳng thức Bell và ý nghĩa sâu rộng của bất đẳng thức này sau khi đề cập một cách ngắn gọn về bit lượng tử, rối lượng tử, nghịch lý EPR, thuyết hiện thực định xứ và biến ẩn, ...

TS. Nguyễn Quốc Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội với bài giảng “Ba thí nghiệm về ánh sáng phân cực dẫn đến Giải Nobel Vật lý 2022”. Theo TS. Nguyễn Quốc Hưng, Giải Nobel Vật lý 2022 được trao cho các tác giả của ba thí nghiệm khẳng định sự tồn tại của rối lượng tử và tính phi định xứ lượng tử. Vào năm 1972, Clausser sử dụng cặp ánh sáng phân cực cùng phát ra từ nguyên tử Ca quan sát mối liên hệ không định xứ của chúng. Năm 1982, Aspect thực hiện lại thí nghiệm này nhưng chỉ đo ngẫu nhiên để loại trừ các cơ chế ẩn. Nhưng hệ đo này có kích thước nhỏ nên chưa loại bỏ các mối liên hệ định xứ. Vào những năm 90, Zeilinger lặp lại các thí nghiệm tương tự với khoảng cách lên tới hàng kilomet để khẳng định tương quan của ánh sáng phân cực là không định xứ. Chuỗi các thí nghiệm ngày càng chính xác để loại bỏ lỗ hổng, kể cả từ các cơ chế mà chúng ta chưa biết, là quá trình phát triển tự nhiên của Vật lý. Dù trong tương lai, vật lý lượng tử có thể được thay thế bằng một lý thuyết tốt hơn, lý thuyết này vẫn phải giải thích được rối lượng tử và tính phi định xứ như các sự thật đã được kiểm chứng.

Trong thời gian qua, Viện Toán học, Hội Vật lý Việt Nam, Viện Vật lý và Trung tâm Thông tin – Tư liệu đã phối hợp tổ chức nhiều bài giảng đại chúng với các chủ đề khác nhau. Hoạt động này nhằm tăng cường công tác truyền thông khoa học, lan toả tình yêu khoa học công nghệ đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ đam mê nghiên cứu khoa học.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết liên quan