Ngày 18/10/2023, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng”. GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN và đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN cho biết, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: thông tin-viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông-vận tải, quân sự v.v.., là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Với trữ lượng tài nguyên đất hiếm được đánh giá là đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam đang được coi như một nhà cung cấp nguyên liệu đất hiếm tiềm năng trong tương lai.
Ý thức được tầm quan trọng của đất hiếm, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng công tác thăm dò đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay. Tuy vậy, đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác và chế biến hiệu quả được mỏ đất hiếm nào. Cùng với nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm, một lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.
Theo GS. Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm Chương trình KC02, hiện nay, Việt Nam có trữ lượng tài nguyên đất hiếm đứng thứ hai trên thế giới nhưng vẫn đang khai thác nhỏ lẻ; cần đẩy mạnh hoạt động chế biến để mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực chế biến đất hiếm; cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến; đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam; từ đó ứng dụng đất hiếm trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
PGS. TS. Hoàng Anh Sơn, Viện Khoa học vật liệu chia sẻ, đối với lĩnh vực đất hiếm, Viện Vật lý và Viện Khoa học vật liệu trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN là những đơn vị nghiên cứu đầu tiên trong cả nước. Những nghiên cứu định hướng khai thác chế biến, ứng dụng khoáng sản đất hiếm đã đạt được những kết quả khả quan như: Phân chia và làm sạch nguyên tố đất hiếm; Ứng dụng đất hiếm làm vật liệu xúc tác (Công nghệ chế tạo vật liệu xúc tác xử lý khí thải từ lò chất thải y tế); chế tạo nam châm đất hiếm NdFeB; sản phẩm phân bón lá đa vi lượng chứa các nguyên tố đất hiêm-ĐH’93; hệ tách chiết làm sạch các oxit đất hiếm 64 bậc; công nghệ chế tạo các chấm lượng tử bán dẫn pha tạp ion đất hiếm, ứng dụng trong đánh dấu huỳnh quang y sinh và chiếu sáng rắn,…
Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghệ đất hiếm vẫn chưa phát triển như mong muốn, một mặt do đầu tư cho khoa học công nghệ vào lĩnh vực này chưa đủ và không tập trung; lĩnh vực ứng dụng đất hiếm chưa tìm được vị trí xứng đáng trong nền kinh tế thị trường.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam, PGS. TS. Hoàng Anh Sơn cho rằng cần đặc biệt chú trọng nghiên cứu công nghệ chế biến sâu đến kim loại một số nguyên tố đất hiếm (Nd, Dy, Pr, …) phục vụ chiến lược chuyển đổi năng lượng, giao thông không phát thải.
Trao đổi về vấn đề môi trường trong khai thác và chế biến đất hiếm, TS. Dương Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Vật liệu môi trường, Viện Khoa học vật liệu cho rằng, để khai thác bền vững quặng đất hiếm, hạn chế các tác động đến môi trường, cần thực hiện tốt công tác đánh giá tác động môi trường, công tác giám sát môi trường; xây dựng, ban hành quy chuẩn môi trường cho ngành mỏ nói chung, ngành khai thác, chế biến đất hiếm nói riêng; nghiên cứu đổi mới công nghệ khai thác, chế biến và các công nghệ kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường.
Hội thảo cũng đã được nghe nhiều ý kiến trao đổi của đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp và các nhà khoa học, làm rõ thêm về vai trò, tiềm năng của đất hiếm Việt Nam, nhu cầu trong nước và thế giới, khả năng làm chủ công nghệ cũng như những tác động đến môi trường của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm, đồng thời kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh Hội thảo là cơ hội để kết nối các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu, triển khai các hoạt động tư vấn, chuyển giao, hoàn thiện công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Đồng chí đánh giá cao các ý kiến đóng góp, trao đổi tại Hội thảo. Các ý kiến này sẽ được nghiên cứu tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó đề xuất một số giải pháp khoa học công nghệ phục vụ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp đất hiếm của Đảng và Nhà nước.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu kết luận Hội thảo
Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Chụp ảnh lưu niệm Hội thảo
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam