Ngày 15/12/2023, tại Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2023 với chủ đề “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn”.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.VS Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan và một số doanh nghiệp cùng các đại biểu, nhà khoa học của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội (10/12/1993 - 10/12/2023).
Hội nghị được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của Hội nghị là chia sẻ thông tin về các thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu; chia sẻ, cập nhật chính sách cũng như trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đề xuất cơ chế, giải pháp tăng cường phối hợp triển khai các chương trình quốc gia, liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn chia sẻ, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới nhấn mạnh quan điểm về xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp để thực thi Nghị quyết bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trở thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu của đất nước.
“Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh” - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp để triển khai Chiến lược khoa học và công nghệ, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; đồng thời góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu trao đổi thảo luận tại Hội nghị
Trên cơ sở Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh báo cáo nội dung và kế hoạch triển khai Chiến lược, một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai; đề xuất một số nội dung trọng tâm đối với 2 ĐHQG và 2 Viện Hàn lâm, đồng thời gợi ý các hướng mà các cơ quan có thể hợp tác thực hiện.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, hoạt động triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có vai trò rất quan trọng. Đây là một công đoạn trong chu trình chiến lược nói chung, trong đó hoạt động triển khai chiến lược là công đoạn có vai trò trung tâm kết nối toàn bộ các công đoạn của chu trình. Một chiến lược dù có nội dung hay, đột phá nhưng nếu không được triển khai hiệu quả thì khó có thể đi vào thực tiễn. Vì vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành KH&CN mà còn của tất cả các ngành, các cấp, do đó, rất cần có sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Trưởng ban Khoa học - Công nghệ ĐHQGHN Trần Thị Thanh Tú chia sẻ về các chính sách và chỉ số khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN. Theo đó, để đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, ĐHQGHN đã triển khai các chính sách đầu tư, tăng cường tiềm lực KH&CN như: chính sách đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm; chính sách hỗ trợ công bố bài báo quốc tế, sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN (doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp startup); chính sách thu hút và trọng dụng nhà khoa học về làm việc tại ĐHQGHN; thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Trình bày tham luận “Phát triển đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch tại ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh”, ông Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh đưa ra số liệu về nhu cầu nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn và thiết kế vi mạch. Hiện nay, Việt Nam chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực và cần hơn 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành này đến năm 2030. Đây cũng chính là thành phần có thể tạo ra các sản phẩm nội sinh trong nước có yếu tố sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tại ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, có 4 trường đại học thành viên đang đào tạo ngành gần và ngành liên quan đến thiết kế vi mạch nhưng chưa có ngành đào tạo thiết kế vi mạch. Quy mô đào tạo các ngành gần và liên quan chiếm 18,7% và 5,8% tổng quy mô đào tạo. Các trường thuộc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh đóng góp trên 50% nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Tp. Hồ Chí Minh.
PGS.TS.Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN trình bày tham luận “ Phát triển nguồn nhân lực KHCN tại Viện Hàn lâm KHCNVN, hiện trạng và một số đề xuất, kiến nghị”
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh báo cáo và đề xuất các giải pháp và kiến nghị phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao tại các đơn vị nghiên cứu. Ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra một số vướng mắc, khó khăn trong công tác phát triển nguồn nhân lực tại Viện, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp mang tính đồng bộ, từ thu hút các học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, cơ chế thu hút đào tạo sinh viên cho các ngành khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học cơ bản của 2 Đại học Quốc gia và 2 Viện Hàn lâm, đặc biệt đến các cơ chế chính sách trọng dụng, thu hút và giữ chân các cán bộ nghiên cứu khoa học xuất sắc, tiếp tục hoàn thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhân lực KH&CN trong thời gian tới.
Ông Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông nhấn mạnh, một hệ thống chính sách và pháp luật tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu; tạo ra một môi trường pháp lý ổn định để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lâu dài và ổn định; là công cụ đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng và các sản phẩm sáng tạo, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu, đổi mới, phát minh, sáng chế; tạo dựng niềm tin, động lực thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới; thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến trên thế giới, kiến tạo thị trường khoa học…
Thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng cần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để những nội dung mới hình thành, phát triển trong thực tiễn, đồng thời giải quyết các bất cập trong thực tiễn thi hành Luật KH&CN. Theo ông Nguyễn Nam Hải, các chính sách của đề nghị xây dựng Luật bao gồm: Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ chức KH&CN; Hoàn thiện quy định đối với cá nhân hoạt động KH&CN; Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KH&CN; Sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện quy định để thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Một số hoạt động đã thực hiện để triển khai chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 1. Hoạt động phổ biến, giới thiệu Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 Bộ KH&CN đã giới thiệu Chiến lược tại các hội nghị, hội thảo ở một số bộ, ngành, địa phương và tại Hội nghị Báo cáo viên cấp Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Chiến lược đã được dịch sang 5 ngôn ngữ quốc tế (Anh, Trung, Nga, Pháp, Tây Ban Nha) và xây dựng video clip để giới thiệu Chiến lược đến các quốc gia trên thế giới. Giới thiệu Chiến lược trong khuôn khổ các chuyến công tác của lãnh đạo Bộ KH&CN tại một số quốc gia, tại các hội thảo, hội nghị với các đối tác quốc tế. 2. Hoạt động ban hành các văn bản triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 */ Đối với Bộ KH&CN - Ban hành Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST đến năm 2025. Trong đó, đã cụ thể hoá các mục tiêu của Chiến lược giai đoạn đến năm 2025 và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: (i) Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện các nội dung chiến lược về KH,CN&ĐMST; (ii) hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; (iii) tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc CMCN 4.0; (iv) đổi mới cơ chế tài chính, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp, xây dựng cơ chế quản lý tài chính hoạt động KH&CN theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2404/QĐ-BKHCN ngày 23/10/2023 về việc giao nhiệm vụ tính toán các chỉ tiêu và theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. */ Đối với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, đã bám sát và phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của quốc gia. Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm KH&CN hàng đầu của cả nước, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á; một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất đạt trình độ tiên tiến ở châu Á. */ Đối với ĐHQGHN ĐHQGHN ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu đến năm 2030 ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia; và nhiều mục tiêu cụ thể về công bố quốc tế, về sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm quốc gia ứng dụng trong thực tiễn, chuyển giao và thương mại hoá. */ Đối với ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định một trong các sứ mệnh của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh là nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới, và mục tiêu đến năm 2025, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh có 10 nhóm ngành nằm trong top 100 theo bảng xếp hạng nhóm ngành các đại học châu Á, đến năm 2030 nằm trong top 100 các đại học hàng đầu châu Á. */ Đối với các bộ, ngành, địa phương Một số bộ, ngành đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chiến lược như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương. Một số địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược như: thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Bến Tre. |
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam