Hội thảo với chủ đề “xe điện” tại USTH, VAST

Ngày 29/3/2023, lần đầu tiên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), VAST tổ chức hội thảo với chủ đề “xe điện”. Hội thảo có phạm trù khá rộng không chỉ liên quan tới các vấn đề khoa học mà còn các vấn đề về chính sách quốc gia, môi trường, công nghiệp hóa và đại chúng hóa. Hội thảo trọng tâm thảo luận các vấn đề: Di chuyển thông minh và chia sẻ xe; Xe điện và xe lai; Kết nối xe và công nghệ trí tuệ nhân tạo; Hạ tầng trạm sạc và tích hợp với lưới điện; Chính sách về xe điện; Môi trường và phát triển bền vững; Những công nghệ tiên tiến trên xe điện.

Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức nhằm giúp các nhà khoa học, nhà Trường; sinh viên và doanh nghiệp cùng trao đổi rõ hơn về các xu hướng công nghệ trong lĩnh vực xe điện; giải pháp cho sự phát triển bền vững của loại hình phương tiện giao thông này tại Việt Nam; nhu cầu, định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xe điện và di chuyển thông minh.

Trong những năm gần đây, xe điện, bao gồm cả xe vận tải khách công cộng, đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng, cho thấy xu hướng rõ rệt và khả năng sẽ dần thay thế xe xăng trong tương lai gần. Việc phát triển xe điện thân thiện với môi trường, an toàn và văn minh hơn đang được xem xét là xu thế tất yếu của cả thế giới. Tại Việt Nam, với mục tiêu đạt 50% người dùng sử dụng xe điện vào năm 2030, bên cạnh sự nỗ lực nhằm hoàn thiện những chính sách thúc đẩy, thay đổi nhận thức người dùng, cũng như cải tiến, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc đào tạo nguồn nhân lực trong trường Đại học hiện đang được chú trọng hơn. 

USTH đào tạo ngành Kỹ thuật ô tô từ năm 2021 với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngành công nghiệp ô tô thời đại 4.0. Sinh viên sẽ được tiếp cận với những kiến thức, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô đồng thời được được rèn luyện trong môi trường quốc tế với ngôn ngữ học tập bằng tiếng Anh. Sinh viên sẽ được học lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành trên các trang thiết bị, mô hình hiện đại tại xưởng thực hành của USTH và các trung tâm, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đối tác của Trường.

Hội thảo đồng thời cũng là diễn đàn liên ngành để các nhà khoa học và kỹ sư trình bày các kết quả nghiên cứu, ý tưởng và các ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật xe điện nói riêng và lĩnh vực ô tô nói chung. Câu hỏi đặt ra xuyên suốt tiến trình hội thảo là: Làm sao để chuyển hóa các năng lượng hiện có để sản xuất ra và lưu trữ năng lượng điện, phục vụ cho các nhu cầu di chuyển, và tái chế các yếu tố năng lượng để đem lại năng suất tốt nhất. Đương nhiên, đi kèm với đó là nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon trong toàn bộ chu trình chuyển hóa. Nếu chứng minh được tính khả thi về mặt kỹ thuật, thì chúng ta vẫn còn rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu đổi mới để ngày càng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. 

  

  

Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu, trình bày báo cáo và tham gia thảo luận tại hội thảo

Tại Hội thảo lần này, người tham dự cũng được trải nghiệm buổi lái xe thử mẫu xe ô tô điện của tập đoàn Vinfast tại khuôn viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Hoạt động bên lề hội thảo

Chụp ảnh lưu niệm kết thúc hội thảo

Hội thảo đã được nghe nhiều báo cáo khác nhau do các diễn giả, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xe điện trình bày 

1. BEV hay FCEV? Phân tích dưới góc nhìn lưu trữ năng lượng trên xe - do GS.TS. Bùi Văn Ga tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Động cơ nhiệt tại École Centrale de Lyon (CH. Pháp). Ông nguyên là Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời được nhận nhiều huân huy chương cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và khoa học. GS.TS. Bùi Văn Ga có nhiều công trình nghiên cứu về ô tô và xe máy sử dụng nhiên liệu xanh thân thiện với môi trường đã được đưa vào ứng dụng tại nhiều địa phương tại Việt Nam và được đánh giá cao.

2. Chuyển đổi sang phương tiện dùng điện: Xu hướng toàn cầu và triển vọng tại Việt Nam -do GS.TS. Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), thành viên Hội kỹ sư ô tô quốc tế, thành viên mạng lưới xe điện toàn cầu (GEAN), thành viên Hội đồng cố vấn phát triển giao thông carbon thấp Châu Á trình bày.

3- Các ứng dụng công nghệ tự hành Phenikaa- do TS. Lê Anh Sơn (Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Phenikaa-X) từng học đại học chuyên ngành Cơ khí ô tô, được học bổng thạc sĩ toàn phần của Nhật Bản chuyên ngành các hệ thống thông minh trong giao thông từ năm 2010 – 2012 và tiếp tục nhận học bổng Tiến sĩ toàn phần tại Nhật Bản chuyên ngành Cơ Điện Tử trình bày. 

4 – Nền tảng kết nối xe, một khái niệm nói về việc ô tô được kết nối Internet để chia sẻ dữ liệu và giao tiếp giữa các xe, cảnh báo an toàn, điều khiển từ xa, hỗ trợ điều khiển xe về bên đường trong trường hợp xảy ra tai nạn, thu thập giữ liệu cung đường di chuyển như tín hiệu đèn giao thông, nhận diện biển báo - do TS. Sébastien Cornou (Trưởng bộ phận thiết kế hệ thống kết nối xe – Tập đoàn Renault, Pháp) là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng quy trình thiết kế tổng thể cho các hệ thống trên xe bao gồm hệ thống hỗ trợ lái nâng cao ADAS, hệ thống điện, đa phương tiện và kết nối xe của tập đoàn Renault trình bày.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia thảo luận của nhiều tác giả, nhà khoa học như: PGS.TS Phạm Xuân Mai, ông Nguyễn Văn Huyền (đại diện VINFAST), TS. Nguyễn Hoàng Tùng (Trường Đại học Giao thông vận tải), TS. Nguyễn Văn Nhanh (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH), PGS.TS Vũ Văn Tấn (Trường Đại học Giao thông vận tải), TS. Trần Anh Trung (Trường Đại học Phenikaa), TS. Kang Do-hyun, công ty Value Added Mechatronics, TS. Lê Văn Nghĩa (Đại học Bách Khoa Hà Nội), ông Trần Tiến Phong (Công ty Cổ phần Giải pháp Tự động hóa Kỹ thuật Việt Nam), TS. Phạm Văn Bạch Ngọc (Viện Công nghệ Vũ trụ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết liên quan