Kỹ năng bảo hộ sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang

Liên tiếp trong các ngày 15 và 17/02/2023, tại Viện Công nghệ hóa học, thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang, thành phố Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO), và Cục Sở hữu trí tuệ (IPVietnam) tổ chức Hội thảo đào tạo "Kỹ năng bảo hộ sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”. Sự kiện đón nhận sự quan tâm và tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các Viện, Trường, Doanh nghiệp, Trung tâm chuyển giao công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang.

Hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phan Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các yếu tố về lao động giá rẻ và vị trí địa lý không còn là lợi thế so sánh giữa các quốc gia. Thay vào đó là vai trò quyết định của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế- xã hội. Việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang trở thành vấn đề cấp thiết, nhận được sự quan tâm chung của các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, công nghệ số đã đưa thế giới trở nên "phẳng" hơn bao giờ hết. Do đó, việc bảo hộ sáng chế từ kết quả nghiên cứu lại càng trở nên cấp thiết. Chính vì vậy, Hội thảo kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các nhà khoa học, nhà khởi nghiệp, nhà sáng chế nhằm phát huy thế mạnh và tiềm lực của mỗi bên để đưa đến những hợp tác mang lại lợi ích thiết thực và ý nghĩa cho xã hội.

PGS.TS. Phan Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được chia làm 02 nội dung chính, phiên thảo luận buổi sáng tập trung vào chủ đề: "Kỹ năng cơ bản thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học" và phiên thảo luận buổi chiều với chủ đề: "Tra cứu và bảo hộ sáng chế từ kết quả nghiên cứu khoa học".

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu không phải một quá trình tuyến tính mà là những mảnh ghép tương hỗ chặt chẽ

PGS.TS. Phan Tiến Dũng cho biết, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học cần trải qua 9 bước, được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn A xây dựng nền tảng thương mại hóa và khám phá thị trường. Giai đoạn B xác định giá trị mang lại cho thị trường, quyết định và kiểm nghiệm chiến lược ra mắt. Giai đoạn C thực hiện, quản lý và đánh giá chiến lược. Mô hình này được biểu diễn dưới dạng khối mảnh ghép, mỗi mảnh ghép đóng một vai trò thiết yếu có liên hệ và tương tác chặt chẽ với nhau nhưng hoàn toàn không bắt buộc phải tuân theo tuần tự các bước mà quan trọng là phải thực hiện tất cả các bước.

9 bước thương mại hóa (bản quyền thuộc về tổ chức Aus4Innovation, CSIRO - Úc)

Bổ sung thêm cho ý kiến này, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập FoodMap Asia- nền tảng thương mại nông sản đầu tiên tại Việt Nam, khẳng định điều các nhà đầu tư quan tâm là con người và sản phẩm, đặc biệt là sự nhiệt huyết và tận tâm của đội ngũ, sự hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chính những yếu tố "nhân hòa" này đóng vai trò quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, doanh số, GPM (biên độ lợi nhuận gộp từ quá trình gia công), thị trường và công nghệ là các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá một công ty để kêu gọi đầu tư. Điều này không đồng nghĩa với việc công ty có doanh số lớn sẽ được định giá cao. Nhưng chắc chắn rằng công ty có hàm lượng công nghệ cao sẽ được đánh giá cao, bởi lẽ, khi có yếu tố "địa lợi" về công nghệ, việc quản lý và nâng cấp hệ thống sẽ nhanh chóng và mạnh mẽ hơn so với công ty truyền thống. Chia sẻ ví dụ bản thân, nhà sáng lập FoodMap Asia cho biết FoodMap là công ty nông nghiệp nhưng hoạt động như một công ty công nghệ. Việc đầu tư vào công nghệ giúp hệ thống quản trị nội bộ, khách hàng và việc gọi vốn dễ thành công hơn. 

Ông Phạm Ngọc Anh Tùng - Founder & CEO FoodMap Asia chia sẻ tại Hội thảo

Ở một góc nhìn khác, với tư cách là một nhà khoa học khởi nghiệp, bà Nguyễn Thu Hồng- CEO&Founder CTCP Thực phẩm Cam Ranh (CARAFOODS) cho rằng giá trị của nhà nghiên cứu là phụng sự xã hội bằng khoa học. Để làm được như vậy, nhà khoa học phải thay đổi tư duy lối mòn khi tập trung quá nhiều vào công bố, đừng để bài báo là điểm cuối cùng của nghiên cứu, hãy nghĩ đó là một trong những bước đầu tiên để đưa nghiên cứu đến với công chúng. Từ kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, khởi nghiệp thành công với chả cá theo công nghệ Nhật Bản, CEO CARAFOODS cho rằng, các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những start-up đam mê, nhiệt huyết và sẵn sàng lăn xả và không ngại khó khăn trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm. Việc chuyển giao công nghệ hay tìm kiếm nhà đầu tư đều không phải là việc khó khi đã có công nghệ tốt, hiệu quả, vì vậy, điều mà bà Nguyễn Thu Hồng tâm đắc và chia sẻ, đó là trước khi mong muốn bán được công nghệ, hãy tự "bán mình", bằng cách thể hiện cho nhà đầu tư thấy được nhiệt huyết, năng lực và đam mê nghiên cứu, cải tiến công nghệ của chính bản thân nhà khoa học. Những minh chứng sinh động về con người sẽ có hiệu quả thuyết phục nhà đầu tư hơn bất cứ bản kế hoạch, báo cáo, hay số liệu lợi nhuận dự kiến nào.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Founder&CEO CARAFOODS trao đổi với đại biểu trong phiên thảo luận chung

Viết bản mô tả sáng chế không phải là việc khó, mà là một nghệ thuật bộc lộ nhưng giữ kín know-how

Tiếp theo trong phiên làm việc về tra cứu và bảo hộ sáng chế, Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, số lượng đăng ký đơn của chủ đơn người Việt chỉ chiếm 15% tổng đơn nộp đăng ký sáng chế được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hàng năm, còn lại chủ đơn đăng ký người nước ngoài đang chiếm thị phần chủ yếu ngay tại sân nhà của Việt Nam. Lý giải về con số này, bà Hiền nêu ra những trở ngại mà nhà sáng chế người Việt gặp phải như ngại thay đổi, chưa nhận thấy lợi ích của việc bảo hộ sáng chế, chưa tìm được nhà đầu tư tiềm năng để cải tiến và phát triển công nghệ. Theo bà Hiền, việc viết bản mô tả sáng chế là một nghệ thuật, để được bảo hộ sáng chế, người viết không được bộc lộ quá cụ thể (viết ví dụ tối ưu), nhưng cũng không được quá sơ sài (không bộc lộ được điểm mới để bảo hộ). Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ, bà Hiền nhận thấy các nhà nghiên cứu với kinh nghiệm dày dặn về công bố bài báo có thể viết rất tốt phần mô tả của bản đăng ký sáng chế, nhưng đó lại không phải là nội dung chính mà chuyên gia thẩm định sẽ xem xét để làm căn cứ cấp bằng. Người viết đơn đăng ký sáng chế cần tập trung 80% vào các yêu cầu bảo hộ, và chỉ dành 20% cho nội dung viết phần mô tả.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ

Trao đổi về nội dung hướng dẫn tra cứu sáng chế, ông Vương Hoàng Nguyên- Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xác định thông tin sáng chế chính là khái quát hóa giải pháp bằng cách đặt ra và trả lời các câu hỏi: mục đích của sáng chế là gì? Giải pháp là quy trình hay sản phẩm? Quy trình gồm bao nhiêu bước? Sản phẩm có cấu tạo như thế nào? Quy trình hoặc sản phẩm thực hiện/sử dụng như thế nào? Từ khóa mô tả tổng quan cho quy trình hoặc sản phẩm? Việc tra cứu tư liệu sáng chế sẽ cho phép nhà khoa học tìm thấy các thông tin liên quan về xu hướng phát triển gần đây của một loạt lĩnh vực kỹ thuật. Trên thực tế, trong một số lĩnh vực công nghệ, những phát triển đầu tiên, mới và độc quyền chỉ được bộc lộ trong tài liệu sáng chế. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học định vị được nghiên cứu của mình đồng thời có các tài liệu tham chiếu, bổ trợ và minh chứng cho tính độc đáo trong nghiên cứu của mình. Một điều nữa được ông Nguyên nhấn mạnh, đó là việc tra cứu sáng chế dễ dàng và chính xác hơn nhiều so với tra cứu bài báo công bố, bởi các khối lượng dữ liệu khổng lồ về sáng chế được cập nhật liên tục, với các công cụ tìm kiếm được thiết kế một cách tối ưu, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm các sáng chế liên quan đến nội dung đang nghiên cứu. Tuy nhiên ông Nguyên cũng khuyến nghị các nhà khoa học Việt Nam có thể tra cứu dữ liệu phi sáng chế (non-patent) trước khi tra cứu dữ liệu sáng chế, do chưa nắm vững về việc bảo mật thông tin trước khi đăng ký sáng chế, rất nhiều nhà khoa học "vô tình" để lộ tính mới của sáng chế bằng chính bài báo, báo cáo hội thảo hoặc trong luận văn của học trò. 

Ông Vương Hoàng Nguyên - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Đào tạo đăng ký sáng chế đặc biệt hiệu quả khi các nhà khoa học được nghe trực tiếp với chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ, cho phép người viết sáng chế hiểu rõ được cách thức viết bản mô tả cũng như quy trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế.

Hội thảo "Kỹ năng bảo hộ sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học” được đánh giá cao khi mang đến cho đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý không chỉ của Viện Hàn lâm mà còn đến từ nhiều viện, trường trong khu vực những thông tin bổ ích, mang tính truyền cảm hứng về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và động lực để thay đổi từ cách làm truyền thống sang dấn thân tìm kiếm giải pháp, công nghệ giải quyết vấn đề thực tiễn của đất nước đóng góp thiết thực cho phát triển và thịnh vượng Quốc gia.

Hội thảo tại thành phố Nha Trang

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài viết liên quan