Phát hiện ảnh hưởng của quỹ đạo Trái đất đối với vi sinh vật cổ đại

Các nhà nghiên cứu của Đại học Curtin đang nghiên cứu các hóa thạch phân tử từ sâu bên dưới miệng hố va chạm Chicxulub đã tìm thấy bằng chứng về việc vi sinh vật đã thay đổi như thế nào để đáp ứng với những biến động của khí hậu Trái đất, đưa ra manh mối về cách hành tinh và các dạng sống có thể ứng phó với biến đổi khí hậu trong thế giới hiện đại của chúng ta. Phát hiện mới được đăng trên Earth and Planetary Science Letters.

Tiến sĩ Danlei Wang, từ Trung tâm Địa hóa hữu cơ và đồng vị của Đại học Curtin (WA-OIGC), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các biến thể trong quỹ đạo Trái đất xung quanh mặt trời qua hàng nghìn năm được cho là nguyên nhân gây ra những thay đổi đối với khí hậu và môi trường của hành tinh chúng ta.

Tiến sĩ Wang cho biết: “Thời kỳ tối ưu khí hậu Eocene sớm (EECO - một giai đoạn của hiện tượng ấm lên toàn cầu được đặc trưng bởi nhiệt độ duy trì ấm nhất trong đại Cổ sinh) khoảng 50 triệu năm trước, là thời kỳ ấm nhất của Trái đất trong 65 triệu năm qua, có liên quan đến các chu kỳ quỹ đạo của hành tinh chúng ta xung quanh mặt trời.  Chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu địa hóa bao gồm phân tích dấu ấn sinh học trên lõi trầm tích lấy từ miệng núi lửa Chicxulub ở Vịnh Mexico, để tìm hiểu cách các hệ sinh thái vi sinh phản ứng với các chu kỳ quỹ đạo của Trái đất gần cuối EECO. Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra các chu kỳ quỹ đạo kiểm soát các biến đổi khí hậu của Trái đất như lượng mưa và dòng chảy trên cạn dẫn đến những thay đổi trong cộng đồng vi sinh vật, bắt đầu tảo nở hoa và sự ngưng trệ của đại dương bao gồm các điều kiện độc hại tại địa điểm Chicxulub."

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/CC0 Public Domain

Đây là nghiên cứu địa hóa cấp độ phân tử có độ phân giải cao nhất từng được thực hiện nhằm cung cấp bằng chứng về mối liên hệ giữa các biến thể trong quỹ đạo Trái đất và hiệu ứng của điều này trên các môi trường cổ đại được lưu giữ trong hồ sơ đá vào cuối thời kỳ EECO.

Những gì các nhà nghiên cứu nhận thấy đã xảy ra gần địa điểm Chicxulub vào cuối chu kỳ EECO có thể cũng đã xảy ra ở những nơi khác trên thế giới vào những thời điểm khác trong kỷ Paleogen, kéo dài khoảng 43 triệu năm và bao gồm cả EECO.

Ngoài ra, hồ sơ địa chất chứa các tín hiệu địa hóa định hướng quỹ đạo từ thời kỳ 'nhà kính' trong lịch sử Trái đất có thể cung cấp manh mối để dự đoán cách môi trường và sự sống có thể ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Thông tin thêm xem tại: Danlei Wang et al, Eccentricity paced paleoenvironment evolution and microbial community structure in the Gulf of Mexico during the outgoing Early Eocene Climate Optimum, Earth and Planetary Science Letters (2022). DOI: 10.1016/j.epsl.2022.117857

Nguồn bài viết: https://phys.org/news/2022-10-effect-earth-orbit-ancient-microorganisms.html

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam